"Lách luật" để đầu tư, mua bán nhà ở xã hội
Những tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của TP.Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến, thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng dẫn ý kiến cho rằng, ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế.
Hiện nay, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Cụ thể, do quy định bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn 5 năm nên các nhà đầu tư sau khi mua nhà ở xã hội từ chủ đầu tư thực hiện việc bán căn hộ thông qua hợp đồng đặt cọc và hợp đồng ủy quyền. Nghĩa là bên mua và bên bán ký hợp đồng đặt cọc với giá trị đặt cọc bằng giá trị căn hộ và ký hợp đồng ủy quyền để bên đặt cọc (bên mua) có quyền sử dụng căn hộ, khi hết thời hạn 5 năm, các bên ký hợp đồng mua bán, hoàn thiện thủ tục sang tên. "Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Giải quyết tình trạng đầu cơ đất đai
Một khó khăn khác được nêu là cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại.
Có ý kiến cho rằng, tốc độ tăng giá nhà chung cư, giá đất ở tại các thành phố lớn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập khiến nhu cầu mua nhà ở của người lao động, nhất là lao động trẻ, công chức, viên chức không được bảo đảm. Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến nhiều hệ lụy như người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Cạnh đó, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. "Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên".
- Thanhnienlonline -